Đồng Văn vẫn luôn nổi tiếng với những ngôi làng, thôn, bản còn giữ được nét nguyên sơ, vốn có của một bản vùng cao đậm đà bản sắc dân tộc. Điển hình, như: Thôn Lao Xa, xã Sủng Là; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú; thôn Khó Chớ, xã Vần Chải, là một trong số ít các thôn như vậy.

Từ huyện Yên Minh, vượt hết con đèo dài gần 10 km với những cua tay áo, dốc dài len lỏi quanh núi, khi nhìn thấy thung lũng màu xanh đầy ngô chính là đã tới địa phận xã Vần Chải. Vần Chải giống như nhiều xã khác của huyện vùng cao Đồng Văn, thứ nhìn thấy nhiều nhất ở đây là mây và núi. Có người gọi các thôn, bản ở đây là bản Mây, hoặc bản trong mây.

Đường lên Hang phỉ và rừng trúc đem đến trải nghiệm rất thú vị.
 

Từ trụ sở xã, men theo con đường bê tông nhỏ chỉ vừa 2 xe máy gượng tránh nhau. Đi khoảng 2 km, giữa khu rừng già, hiện lên một bản nhỏ của người Mông, ấm áp, yên tĩnh. Đó chính là Khó Chớ - thôn bình yên giữa đại ngàn thăm thẳm, được bao bọc bởi khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 500 ha, ở độ cao khoảng 2.000 m. Khó Chớ ít người biết đến cũng bởi sự lặng lẽ, trầm mặc này. Giữa thôn, nổi bật lên một lớp học lắp ghép hiện đại. Theo lời của cán bộ xã, đây là lớp học của nhóm thiện nguyện Hà Nội đầu tư xây dựng. Giữa bạt ngàn núi rừng hẻo lánh, lớp học như một ánh sáng, là khởi nguồn của những con chữ, gieo tri thức, hứa hẹn bao điều tốt đẹp cho những đứa trẻ nơi đây.

Những hàng rào đá, cây cổ thụ rêu phong bao trùm quanh Sảo Há.
 

Trong thôn, đặc biệt nhất chính là khu sinh sống của nhóm hộ Sảo Há với 22 nóc nhà. Họ sống thành một nhóm, những mái nhà lợp ngói âm dương chụm vào nhau, lặng lẽ bảo vệ nhau giữa đại ngàn. Sảo Há nghĩa là thung lũng trên cao. Quả đúng vậy, đây chính là một thung lũng khiêm tốn, giấu mình sau rừng đại ngàn và mây núi. Đường lên Sảo Há y như tiếng khèn Mông: Cao, thấp, gập ghềnh, nhấp nhô đèo cao, núi dựng không theo quy luật; đang hiền hòa, dịu dàng, bỗng đột ngột vút cao, rồi lại trầm lắng lại,… Ở Sảo Há, có những con đường, hàng rào đá và cây cổ thụ rêu phong, những ngôi nhà nhỏ nhắn nép mình. Giống như hàng trăm năm nay chưa từng vướng sự ồn ã, náo nhiệt. Ánh nắng mặt trời hiếm hoi của mỗi ngày cũng chỉ khe khẽ len qua kẽ lá được một chút, rồi lại bị làn sương mỏng khéo “đuổi” đi.

Ở Khó Chớ còn có các địa điểm hấp dẫn khác, như: Rừng trúc, Hang phỉ. Đều là những địa điểm trải nghiệm tuyệt vời, Hang phỉ chính là địa danh gắn với một tích xưa. Khoảng những năm 1957 – 1958, Vàng Vạn Ly là thủ lĩnh nhóm Phỉ có tiếng nổi lên chống chính quyền. Sau cuộc nổi loạn thất bại, Vàng Vạn Ly cùng các con trốn vào hang núi, thuộc địa phận xã Vần Chải. Xã đội Trưởng lúc bấy giờ là Sùng Dúng Lù đã tay không vào hang dụ Vàng Vạn Ly ra đầu thú. Từ đó, đồng bảo nơi đây yên tâm sinh sống trên mảnh đất của họ, cũng trả lại cho Đồng Văn sự bình yên và bắt tay vào xây dựng cuộc sống no ấm. Sùng Dúng Lù trở thành người Anh hùng, là hiện thân cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên mảnh đất Cao nguyên đá. Con cháu đời sau mỗi khi đến Hang phỉ đều nhắc nhở nhau luôn nhớ về người anh hùng của dân tộc, dùng chính nghĩa, nhân từ để thu phục giặc.